Tiểu sử Tô Huệ

Tô thị người Thủy Bình (始平; nay là Vũ Công, Thiểm Tây), là con gái thứ ba của Trần Lưu Vũ Công huyện lệnh Tô Đạo Chất (蘇道質), xuất thân trong một gia đình có truyền thống thơ văn. Theo Tấn thư, phần Liệt nữ truyện, Tô thị từ nhỏ nổi tiếng thông tuệ, mỹ mạo xuất chúng, 3 tuổi đã học đọc chữ, 5 tuổi đã học làm thơ, 7 tuổi đã học vẽ, 9 tuổi đã học thêu thùa, 12 tuổi đã tinh thông dệt gấm.

Năm 16 tuổi, Tô thị một lần đến A Dục Vương tự (阿育王寺), gặp gỡ một thiếu niên anh tuấn, giỏi võ lược, tên gọi Đậu Thao (窦滔), Tô thị đem chân tình trình bày với cha mẹ, và năm 374 (Tiền Tần Kiến Nguyên năm thứ 14), Tô thị gả cho Đậu Thao. Khi về nhà, Tô thị rất mực chiều chồng, đảm đương tất cả mọi việc gia đình để cho Đậu Thao có đủ thì giờ theo đuổi trau dồi nghiên bút. Người ở quanh vùng đều cho là hạnh phúc và hết sức ngợi khen nàng.

Sau khi Phù Kiên lên ngôi, Đậu Thao làm quan cai trị có nhiều thành tích, thăng đến Thứ sử Tần Châu (秦州; nay là Thiên Thủy, Cam Túc). Về sau, Đậu Thao bị nịnh thần dèm công đố kỵ, hãm hại bị giáng chức và đầy đến Lưu Sa (nay là vùng sa mạc Bạch Long Thán, Tân Cương). Đậu Thao từ biệt vợ lên đường. Tô thị thề nguyền một lòng chung thủy không tái giá, cho dù đá khô biển cạn, cũng không thay lòng đổi dạ, rồi Đậu Thao gạt lệ từ biệt Tô thị ở trước cửa A Dục Vương tự năm nào, ngoài cổng thành phía Bắc.

Tô thị ngày đêm tưởng nhớ chồng, hôm nào cũng làm thơ, để tả nỗi lòng thương nhớ chồng của mình. Ngày tháng trôi đi, năm này qua năm khác, nàng viết được hơn 7900 bài.

Về sau, Đậu Thao ở xa sủng ái một người thiếp mà quên đi Tô thị, khiến nàng đau đớn và uất hận. Sau đó, Tô thị đã làm ra Tuyền Ki đồ (璇玑图), hay còn gọi Chức Cẩm Hồi văn thi, do bài thơ này được nàng dệt lên gấm, theo kiểu hồi văn, một thể loại khó mà nàng đã tự tay sáng tạo nên. Sau khi hoàn thành, nàng đã gửi đến cho Đậu Thao xem, và y ngay lập tức sai người rước nàng đến Lưu Sa.